Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH&KT) TP Hà Nội cùng Viện QH&KT Đô thị vừa tổ chức tổng kết, bàn giao hồ sơ, danh mục phân loại nhà biệt thự xây dựng trước năm 1954 tại Hà Nội. Theo đó, sẽ có 229 biệt thự được ưu tiên bảo tồn do có vị trí đẹp, còn giữ được tính nguyên bản và phong cách kiến trúc đặc trưng.
Nhiều dấu tích độc đáo
Quá trình xây dựng các công trình của người Pháp ở Hà Nội trải qua nhiều giai đoạn. Từ năm 1873 đến 1920, người Pháp đã phá rất nhiều di tích có giá trị để xây những công trình mới phục vụ cho mục đích thống trị lâu dài. Từ năm 1920 trở đi, họ mới nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn những di sản kiến trúc xưa của Hà Nội và đã có quy hoạch bảo tồn các công trình.
Ở khía cạnh này, có thể nói người Pháp vừa có công vừa có tội. Có tội vì đã phá dỡ một số công trình trước đó, còn có công là đã giữ gìn được một số lượng rất lớn các di sản kiến trúc của Hà Nội. Điển hình, họ đã giữ nguyên được khu vực xung quanh Hồ Gươm, biến nơi đây trở thành một vùng chuyển tiếp giữa khu phố cổ và khu phố Pháp rất hài hòa. Đó cũng chính là kinh nghiệm đầu tiên về việc phát triển song hành với bảo tồn di tích mà có lúc chúng ta chưa thật sự chú trọng.
Về kiến trúc, các biệt thự Pháp ở Hà Nội đã thể hiện rõ nhất sự sáng tạo của người Pháp. Những khu phố Pháp luôn có sự kết hợp yếu tố truyền thống, điều kiện khí hậu, phong tục tập quán Á Đông, cảnh quan tự nhiên… Trong đó, cây xanh - mặt nước là những thành phần rất được chú trọng. Nhiều khu vực như vườn bách thảo, các vườn hoa, quảng trường, không gian quanh Hồ Gươm... đã tạo ra những đặc trưng cho đô thị Hà Nội. Cũng phải kể đến sự kết hợp giữa xây dựng mới lúc đó với các điểm dân cư cũ kiểu truyền thống như Hạ Hồi, Thụy Khuê, Cửa Bắc...
Số biệt thự có kiến trúc Pháp còn giữ được nguyên trạng hiện không nhiều và TP Hà Nội đang lên kế hoạch bảo tồn các biệt thự này. Ảnh: BẢO LÂM
Bài học về tính sáng tạo
Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên giá trị của các biệt thự Pháp chính là quy hoạch tổng thể như đã nói ở trên. Khi còn làm KTS trưởng TP, tôi đã cho khảo sát trên bảy tuyến phố có các biệt thự Pháp và thấy rằng các biệt thự được xây rất có nhịp điệu. Ví dụ như ba biệt thự liền nhau có chung một phong cách, đến biệt thự thứ tư lại là một phong cách khác. Đó chính là cách bố trí để cho hình ảnh đô thị không bị đơn điệu.
Việc bố trí cây xanh của người Pháp cũng rất đáng học hỏi khi họ thường cho trồng những cây xanh đặc trưng ở từng tuyến phố (điều này chúng ta có áp dụng nhưng vẫn chưa tạo được nét đặc trưng riêng). Ngay đến cột điện cũng được họ lựa chọn sao cho mỗi tuyến phố lại có một hình dáng riêng.
Về tổng thể, trong quy hoạch, người Pháp cũng phân khu chức năng rất rõ ràng. Cùng với các công trình nhà ở, họ xây thêm khá nhiều công trình công cộng như vườn bách thảo, quảng trường, công viên… nhằm phục vụ quần chúng, bên cạnh các công trình dành cho giới thượng lưu. Các tuyến đường cũng được bố trí rất hợp lý theo mô hình ô bàn cờ nhưng có phân rõ chính, phụ nhằm đảm bảo lưu thông thuận lợi. Ở thời điểm đó, các tuyến đường theo hướng bắc-nam thường hẹp hơn các hướng khác.
Một lý thuyết quy hoạch khác đã được người Pháp áp dụng thành công, đó chính là tạo các điểm nhấn cho từng khu vực. Có thể thấy như Nhà hát lớn Hà Nội chính là điểm nhấn cho toàn bộ khu vực Tràng Tiền, ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội) là điểm nhấn cho tuyến phố Trần Hưng Đạo và khu vực xung quanh…
* * *
Về tổng quan, người Pháp đã đem đến đất nước ta nhiều kiến thức mới trong quy hoạch đô thị, làm thay đổi nhiều quan niệm về nhà ở, về xây dựng hiện đại nhưng vẫn mang đậm yếu tố truyền thống. Chính vì thế, việc khảo sát để bảo tồn các biệt thự Pháp là hết sức cần thiết. Có ba hình thức bảo tồn ứng với ba loại biệt thự khác nhau. Một loại phải bảo tồn nguyên trạng, chỉ giải tỏa các hộ dân. Một loại phải giữ gìn phong cách đó, có thể xây xen được nhưng không thay đổi kiến tạo. Loại thứ ba là được thay đổi chức năng từ biệt thự sang các công trình khác nhưng phải gìn giữ phong cách kiến trúc của Pháp.
Việc xâm phạm các biệt thự Pháp, theo tôi, là một xu thế tất yếu của quá trình phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải ghi nhớ bài học từ khi người Pháp xuất hiện ở nước ta và bắt đầu kiến tạo nên các công trình, đó chính là “xây mới phải kết hợp với bảo tồn”. Điều này rất cần đến sự tham gia tích cực (và đòi hỏi năng lực) của những người có trách nhiệm quản lý.
TS-KTS ĐÀO NGỌC NGHIÊM, nguyên Giám đốc Sở QH&KT TP Hà Nội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét